Bình chữa cháy được các chuyên gia chỉ định nên đặt ở những nơi khô ráo, thoáng mát với nhiệt độ nhỏ hơn 50 – 55 độ C. Đó là lý do khi sử dụng bình chữa cháy, bạn không nên đặt nó ở những nơi bị chiếu ánh nắng trực tiếp như khay để đồ dưới kính hậu, khu vực táp-lô hoặc cột A,… bởi đây là khu vực nhiệt độ lên rất cao vào mùa hè – nguyên nhân khiến cho bình chữa cháy trong ô tô dễ phát nổ.
Vị trí hợp lý nhất để đặt những chiếc bình chữa cháy này là ở dưới gầm ghế hoặc hốc để đồ trên cánh cửa. Tốt nhất là nên đặt bình chữa cháy ở nơi gần người lái nhất để khi có sự cô xảy ra, người lái có thể sử dụng bình một cách thuận tiện và nhanh chóng nhất. Để bình chữa cháy tránh xa tầm tay trẻ em để đề phòng mọi bất trắc.
Có nhiều loại bình chữa cháy dùng trong ô tô như bình dạng bột hoặc dạng khí. Mỗi loại bình sẽ có thời gian sử dụng khác nhau, ví dụ như bình CO2 phụ thuộc vào lượng khí bên trong còn bình dạng bột có thể sử dụng đến 5 năm đối với loại 1 kg. Do đó các bạn cần có những lưu ý đến bình để luôn đảm bảo thiết bị này luôn có thể hoạt động ở tình trạng tốt nhất.
Sử dụng bình chữa cháy trong ô tô ra sao?
Đối với những loại chữa cháy dạng bột, trước khi sử dụng cần lắc nhẹ bình để hỗn hợp bột chống cháy và khí đẩy được trộn đều với nhau và không bị vón cục.
Nếu chiếc xe của bạn bị cháy ngoài, bạn nên phun khi đứng ở đầu hướng gió và đứng ở gần cửa xe đối với những đám cháy trong. Quá trình phun phải được diễn ra liên tục, không ngắt quãng, phun đều cho đến khi đám cháy tắt hẳn mới dừng lại. Khi phun cần giữ bình ở tư thế thẳng xuống.
Đối với các đám cháy chất lỏng như cồn hoặc xăng, dầu,… cần phun bình chữa cháy lên bề mặt cháy, tuyệt đối không nên phun trực tiếp xuống bởi nếu làm như vậy, chất lỏng sẽ bị bắn ra ngoài và thậm chí là khiến đám cháy to hơn.
Bình chữa cháy chỉ đạt hiệu quả đối với những đám cháy nhỏ hoặc vừa bùng phát. Còn nếu chiếc xe của bạn bị cháy lớn từ bình nhiên liệu hay cháy khoang động cơ, bạn cần tìm ngay đến sự trợ giúp của những người xung quanh và đội chữa cháy.